(NCTG) “Sự cách tân mang lại làn gió mới nhưng nên giữ nét truyền thống mà không rườm rà. Cách tân, cách điệu, nhưng đừng tùy tiện, bóp méo, làm xấu đi hình tượng đẹp sẵn có của nó. Cái gì cũng cần có giới hạn cho đúng với ý nghĩa của chiếc “áo dài”.
Một ngày tháng Tư, đi dạo một vòng mall Phúc Lộc Thọ ở Little Saigon (California, Hoa Kỳ), cái nhìn của tôi bỗng đậu lại ở chiếc áo dài tà ngắn trông ngộ nghĩnh với chiếc quần thun bó màu đen tiệp với thân áo đen pha hoa văn vàng, nâu ở tay và đáy tà áo thật trang nhã. Vào cửa tiệm hỏi, tôi được bà chủ cho biết đó là loại “áo dài cách tân” đang được ưa chuộng như thời trang hiện đại ở trong nước. Bà xúi tôi cứ mặc thử không hề gì.
Sau khi thử áo, tôi thấy loại áo dài này, may bằng thun cát co giãn vừa phải, không quá dày hay quá mỏng, dễ thích hợp với mọi khổ người. Màu sắc tạo nét trẻ trung và sự tiện lợi cho người mặc, khiến đi đứng ít vướng víu vì tà ngắn. Áo lại ôm sát toàn thân khiến phô bày được vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ. Cửa tiệm ấy, bán quần áo thời trang kèm thêm nhiều áo dài may sẵn đủ cỡ, cả truyền thống lẫn cách tân.
Gần đây, ngày Xuân ở Việt Nam chợt tươi mát rực rỡ pha chút lạ lẫm với hình ảnh những thiếu nữ và em bé gái tung tăng dạo phố, chơi xuân trong chiếc áo dài tà ngắn, tay lửng, đủ màu sắc, mặc chung với quần Jean hay quần bó. Thời trang mùa xuân và mùa hè cho các thiếu nữ Việt Nam năm nay, 2016, được quảng cáo trên các trang mạng là “Chiếc áo dài cách tân” đủ họa kiểu, loại vải và màu sắc.
Hôm 18-3-2016, báo “Tuổi Trẻ” ở Việt Nam, có tổ chức một cuộc tọa đàm mang tên “Nét đẹp áo dài truyền thống và áo dài cách tân”. Buổi tọa đàm quy tụ một số nhà nghiên cứu và am hiểu về áo dài cùng đại diện hai Công ty cổ phần tập đoàn may mặc. Mục đích chính để tạo cơ hội và thời gian cho các diễn giả và khách tham dự bàn luận về hai trường phái áo dài hiện nay là áo dài truyền thống và áo dài cách tân. Sự tiện lợi cũng như bất tiện được nêu ra khi đưa áo dài vào đời sống hằng ngày. Đồng thời sự gợi ý, mặc áo dài thế nào cho đẹp và phù hợp với các vóc dáng, các lứa tuổi. Dòng sản phẩm tơ lụa nào để áo dài thêm mềm mại, thướt tha cũng được nhắc đến. Các nhà sản xuất cũng có ý định đưa sản phẩm của mình ra thị trường quốc tế.
Khoan nói tới việc chê khen của người ngắm áo mà chúng ta thử nhìn kỹ xem cái mốt áo dài thời trang này trông như thế nào.
Xem thêm: Áo dài Chi Silk và những điểm nhấn
Áo dài cách tân
Chiếc áo dài cách tân này trông giống chiếc áo dài Mini trước 1975 ở Sài Gòn phải không các bạn? Tà áo ngắn trên đầu gối, vạt hẹp hay vừa. Tay may kiểu Raglan (Ráp-lăng) không phải tay thường, nên ôm sát được bờ vai. Tay lửng, dài, bồng hoặc ngắn. Đặc biệt đường eo được mổ lên cao, phô chút đường tam giác quyến rũ của chiếc eo thon. Cổ áo tùy người chọn, thấp hoặc cao, phần lớn là cổ tròn, vuông, thuyền, khoét nông hay sâu. Quần thường là Jean lưng cao, mặc sát, ôm mông, bụng hay quần bó, ôm lấy thân hình người mặc. Chất liệu thì đủ loại vải, gấm, nhung, ren, tơ, lụa hay thun. Hoa văn thì đa dạng, vẽ thêu hay in đều được.
Áo dài Mini trước 1975: vai raglan và quần ống rộng
Ngắm xong chiếc áo, ý kiến người xem bắt đầu nổi lên. Bất đồng, phản kháng hay ưng ý, thích thú hoặc cùng lắm thì có người nhún vai phán “không có ý kiến” vì chiếc áo dài sau bao năm đã bị sửa tới sửa lui, trải qua biết bao nỗ lực cách tân khi dài, khi ngắn, khi rộng, lúc hẹp đã đời rồi, nói nữa thêm thừa.
Tự ngàn xưa, chiếc áo dài được thiết kế cho cả nam lẫn nữ mặc. Theo thời gian áo dài được thay đổi, cách tân, lúc thì cổ cao, lúc không có cổ. Tà áo thì khi dài khi ngắn, khi hẹp, khi rộng, lúc hai, ba tà. Sự cách tân không ngừng nghỉ của chiếc áo dài đã tốn bao nhiêu giấy mực tranh cãi.
Người bảo thủ cho rằng, đã gọi là áo dài thì đương nhiên chiếc áo phải có một độ dài nhất định, ít nhất phải chạm gối, khiến người con gái Việt Nam khi di chuyển, tà áo bay sẽ tạo được sự thướt tha, mượt mà. Chiếc áo dài từ lâu nổi tiếng nhờ vẻ thanh lịch, vừa kín đáo, e ấp, vừa tôn được vẻ đẹp mảnh mai, nhã nhặn của người phụ nữ Việt. Cái đẹp nằm trong sự hấp dẫn kín đáo mà thôi. Sự cách tân cốt chỉ để phô ra vòng 1, 2, 3 là điều đáng khinh miệt và không chấp nhận được. Nhất là các ca sĩ, người mẫu nổi tiếng cố tình khoe áo cách tân, đã góp sức phá hoại hình ảnh đẹp đẽ của chiếc áo dài khi chọn trình diễn những chiếc áo dài thay đổi quá mức, khiến hình ảnh thùy mị, dịu dàng của áo dài trở nên phản cảm một cách thê thảm. Điều chướng mắt hơn cả là chất liệu vải may áo dài ngày càng bị mỏng hóa đến độ trong suốt đã đánh mất sự đoan trang, thanh lịch của người mặc.
Trong cuốn sách “Kể chuyện chín mùa, mười ba vua triều Nguyễn” của ông Tôn Thất Bình có đoạn: “Chiếc áo dài ngoài vẻ đẹp văn hoá còn có một ý nghĩa đạo lý. Hai tà áo (hai vạt) tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu. Cái yếm che trước ngực nằm giữa những chiếc áo ngoài tượng trưng cho hình ảnh mẹ ôm ấp con vào lòng. Năm khuy cài nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người là: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Vì thế chiếc áo dài gói gọn giá trị tinh thần và văn hoá quốc hồn, quốc túy, dù có cách tân thế nào cũng vẫn phải giữ nét đẹp truyền thống của nó.
Áo dài truyền thống ngày xưa
Kẻ ủng hộ bảo, chiếc áo dài cách tân mặc thấy “sướng”, nhất là giới trẻ. Tuổi trẻ năng động, vùng vẫy, thích mốt thời trang đã quen, lại có đầu óc cởi mở, tỏ ra thích chiếc áo dài này. Quần bó, quần Jean các cô mặc hàng ngày vừa gọn gàng, tiện lợi, lại ôm vòng các đường cong gợi cảm được mặc chung với áo dài cải cách, sao không thử mặc vào, tung tăng dạo phố. Tay ngắn, tay lửng, cổ rộng, cổ thuyền thoáng mát hợp với không khí hừng hực nóng ẩm nhiệt đới của Việt Nam.
Diện áo dài cách tân đi làm, không bị gò bó, đỡ thêm cái khoảng “stress” nặng nề vì quần là áo lượt, đóng khung, đóng bộ. Đi chơi trẻ trung, vừa thu hút mắt nhìn phái nam, vừa tươi mát với sắc màu rực rỡ, thật “đã”. Ngồi không sợ tà áo lê lết, đi không sợ chiếc quần rộng lụng thụng cản trở bước chân. Lên đồi, xuống dốc, ngồi xe gắn máy chả sợ vướng víu, bụi bặm dơ dáy, cả áo lẫn quần. Nói tóm lại lối thời trang cách tân này cho người ta cảm giác “sướng và thoải mái” khi mặc.
Những ý kiến trung dung đã đưa đến một kết luận chung cho chiếc áo dài. Sự cách tân mang lại làn gió mới nhưng nên giữ nét truyền thống mà không rườm rà. Cách tân, cách điệu, nhưng đừng tùy tiện, bóp mép, làm xấu đi hình tượng đẹp sẵn có của nó. Cái gì cũng cần có giới hạn cho đúng với ý nghĩa của chiếc “áo dài”.
Sự pha trộn Âu và Á cũng như đa văn hóa toàn cầu ngày nay, khiến chiếc áo dài cách tân thể hiện sự dễ dãi trong việc may lẫn việc mặc. Là con gái của một ông bố chủ nhà may ngày xưa, khi mặc chiếc áo dài cách tân vào, tôi lại nghĩ khác. Chiếc áo dài cách tân hôm nay đã đi những bước thật ngắn gọn trong việc đơn giản hóa chiếc áo dài Mini hay truyền thống của ngày xưa rất nhiều. Những khuy áo hay nút bấm đã được thay bằng cái phẹc-mơ-tuya đằng sau lưng như một cái áo đầm Tây Phương. Tuy nhiên sự may vá theo kiểu hàng loạt đã làm hỏng mất tà áo của thân sau vì chiếc phẹc-mơ-tuya đã để lại cuối đường xẻ một đường trũng hếch lên phía mông sau áo, trông thật vụng về.
Tôi còn nhớ ngày mới lớn bố tôi dạy tôi may và cắt chiếc áo dài rất công phu và qua nhiều công đoạn. Chưa nói đến việc đo và cắt khó thế nào, nội việc ngồi tập may tà áo cũng phải mất một thời gian dài ngồi trước máy may, đạp sao cho đường chỉ thật thẳng tắp. Chiếc tà Nam, Trung hay Bắc phải may sao cho ôm, không vểnh ra. Luôn (khâu) tay, phải sao cho khéo không được lộ chỉ khâu. Khuy áo phải máy, lộn vải và vê sao cho tròn. Chỉ cô thợ may nào khéo tay, bố tôi mới giao cho việc chuyên môn làm từng bộ khuy vải. Những hàng bị co giãn phải ngâm qua đêm, sau đó ủi thẳng thớm mới dám cắt may cho khách. Một chiếc áo dài đẹp và hoàn hảo được may theo số đo và ni tấc của người mặc là một công trình tỉ mỉ.
Còn việc mặc sao cho đẹp lại là một việc tế nhị khác. Khi đo bao giờ bố tôi cũng dặn khách phải mặc chiếc áo ngực như thế nào cho đứng áo và áo ngực mặc khi đo, phải cùng là một áo ngực khi đi thử áo. Gặp khách hàng khó tính, không biết lựa vải, khi may xong, hoa văn quá to chiếm hết chiều ngang thân áo hoăc vải mua quá cứng, mặc vào trông quá mập và thô kệch, bèn chê trách thợ may không khéo là những nỗi oan mà người thợ may phải chịu.
Chiếc áo cách tân may sẵn ngày nay, có đủ cỡ, đủ loại vải, phần lớn là thun có thể co giãn. Rộng một chút thì lấy size lớn hơn, hẹp chút, ôm vào người cứ chọn đúng size của mình, thật dễ. Đường may chẳng cần khéo. Đường tà chẳng cần luôn tay cho dịu, chỉ cần máy đạp vèo một phát là xong. Không cần cài khuy bấm, móc miếc, cho mệt mà sợ lên cân một tí thì bung, kéo cái phẹc-mơ-tuya cái rột, vừa nhanh, vừa gọn. Giá lại rẻ gấp mấy lần tiền công may và mua vải. Muốn mặc, ra chợ mua lúc nào cũng có, lại chẳng cần sắm quần, có sẵn mấy cái Jean và thun bó đồng màu, thế là có thể lên đường dạo phố du xuân.
Cuối cùng tôi cũng “tậu” một chiếc áo dài cách tân về mặc nhưng định bụng mặc chung với quần lụa mềm thay vì Jean hay thun bó. Có lẽ tôi chưa chấp nhận được ý tưởng mặc chiếc áo dài cách tân đi với chiếc quần thun bó hay Jean. Dường như mặc như vậy, tôi thấy nó còn quá cứng, thiếu đi nét mềm mại cần có của người phụ nữ Việt Nam chăng? Có thể tôi thuộc phe trung dung, thích có áo dài truyền thống để đi lễ, đi hội họp ở các nơi trang trọng và cũng thích luôn chiếc áo dài cách tân để đi làm hay đi dạo phố, chơi xuân.
Source: thoitrangviet247.com
Category: Áo