Có lẽ son dưỡng handmade đã không còn xa lạ với chị em gái chúng mình nữa. Với những công dụng nổi bật như: dưỡng môi mềm mịn, có khả năng làm hồng sắc môi tự nhiên, đặc biệt là không chứa chì độc hại. Son dưỡng môi handmade ngày càng là lựa chọn ưu tiên của phái đẹp.
Cũng vì vậy mà các bạn trẻ hướng đến tìm hiểu lĩnh vực handmade nhiều hơn, không ít bạn muốn tự làm ra son để dùng và mở rộng ra kinh doanh sản phẩm này.
Nhìn 1 thỏi son dưỡng có màu xinh xắn, đơn giản nhưng khi bắt tay vào pha màu son thì khá nhiều bạn gặp khó khăn, đúng không ạ? Ở bài viết này, PN sẽ chia sẻ những kinh nghiệm mà mình có trong việc làm son dưỡng có màu bằng màu khoáng nhé.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng giải đáp các thắc mắc mà các bạn thường gửi cho PN như:
– Màu khoáng chỉ cần “một chút xíu” là son lên màu rồi phải không?
– Sao khoáng đỏ tươi lại cho ra son đỏ sậm?
– Son làm hoài mà không lên màu được !
“Màu khoáng chỉ cần “một chút xíu” là son lên màu rồi phải không?“
– Các bạn lưu ý rằng màu khoáng thực chất không hề có khả năng này. Có lẽ màu mà bạn nói đến là MÀU HÓA HỌC TỔNG HỢP. Với phẩm màu này thì chỉ cần 1 lượng rất ít cũng cho ra 1 thỏi son có khả năng bám màu tốt, màu lên đẹp, tuy nhiên, độ an toàn thì chắc chắn là không có !
Với màu khoáng, đòi hỏi 1 lượng nhất định kèm theo Kẽm Oxit tạo nên 1 lớp nền giúp son lên màu tốt hơn.
Về tỉ lệ dùng màu các bạn có thể tham khảo theo công thức làm son có màu của Pure Nature
Bạn đang đọc: Kinh nghiệm làm đẹp :: Chia sẻ kinh nghiệm dùng màu khoáng trong công thức làm son dưỡng có màu
“Sao khoáng đỏ tươi lại cho ra son đỏ sậm?“
– Tên của màu được đặt trên màu sắc của trạng thái bột ! Có nghĩa là màu sắc mà mắt thường nhìn thấy khi khoáng còn ở dạng bột, không phải màu của thỏi son thành phẩm !
“Son làm hoài mà không lên màu được?“
– Nếu làm son không thể lên màu thì bạn nên xem lại tỉ lệ màu khoáng bạn cho vào son, và cần có thêm kẽm oxit giúp son lên màu tốt hơn. Ngoài ra, nghệ thuật pha màu son cũng ảnh hưởng không ít đến khả năng lên màu của son. Sau đây là 1 vài kinh nghiệm của PN chia sẻ cùng các bạn nhé:
1. Luôn luôn pha màu ! PN tuyệt đối không sử dụng duy nhất 1 màu khoáng để cho ra 1 màu son mà luôn pha các màu với nhau. Màu sắc sau khi pha sẽ đẹp hơn khi bạn dùng 1 màu duy nhất để làm.
Ví dụ: để có son màu đỏ tươi, PN sẽ pha màu khoáng đỏ tươi + màu hồng Neon theo tỉ lệ (7:3)
Có 1 số màu son để ra màu như mong muốn, PN pha kết hợp 5 màu khoáng với nhau theo tỉ lệ tối đa cho phép.
Hãy tập pha màu, bạn sẽ thấy công việc làm son là 1 nghệ thuật, mỗi tỉ lệ là 1 biến hóa của màu sắc. Bạn sẽ nhận thấy mình là 1 họa sĩ tài ba ^_^
2. Lựa chọn màu khoáng chất lượng. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp Nguyên liệu làm mỹ phẩm, càng nhiều nơi bán phẩm màu, bột màu với nhiều mẫu quảng cáo dùng cho son môi handmade. Tuy nhiên, bạn cần có kiến thức sơ đẳng để phân biệt giữa MÀU KHOÁNG hoặc phẩm màu dùng cho môi và MÀU HÓA HỌC TỔNG HỢP. Nếu nhà cung cấp nhập khẩu màu chất lượng (có thể dùng an toàn trên môi), và bán lẻ lại thì không thể có giá quá thấp như một số nơi đang bán. Hãy biết đặt câu hỏi cho sự chênh lệch giá đáng ngạc nhiên này !
Một số kỹ năng đơn giản để phân biệt màu khoáng hoặc Pigments & Oxides Powder với màu hóa chất:
+ Màu hóa học tổng hợp khi dính vào tay thì bám rất lâu, rất khó để tẩy rửa, cho dù bạn dùng xà phòng rửa tay cũng phải mất nhiều thời gian để rửa trôi hoàn toàn, trong khi màu khoáng lại dễ rửa đi hơn nhiều.
+ Màu hóa học tổng hợp chỉ cần 1 lượng rất ít màu cũng cho ra thỏi son thành phẩm có màu đẹp, lên màu rõ. Ngược lại màu khoáng cần 1 lượng nhất định mới có thể lên màu được.
+ Thỏi son làm bằng màu hóa học tổng hợp tuy có màu đẹp nhưng lại không có chức năng dưỡng môi tốt, người dùng sẽ có cảm giác môi khô đi, khi liếm phải sẽ có vị “hơi đắng đắng”. Son làm bằng màu khoáng không có hiện tượng này.
3. Kiên nhẫn khuấy màu. Màu khoáng và kẽm oxit dạng bột, để tan hoàn toàn trong dầu (không tạo ra “hột” khi đổ son ra thỏi) bạn cần kiên nhẫn khuấy, bạn nên dùng dụng cụ khuấy mini để rút ngắn thời gian khuấy, nhưng vẫn phải kiên nhẫn cho đến khi thấy khoáng và kẽm oxit đã tan hoàn toàn. Điều này đảm bảo thỏi son của bạn sẽ có tính thẩm mỹ cao hơn.
4. Hiểu ngôn từ trong công thức. Trong công thức nếu PN ghi rằng “8ml màu” có nghĩa là tổng cộng 8ml bột màu. Một số bạn hiểu nhầm rằng mỗi màu cho 8ml (sự hiểu nhầm này khá tai hại, nếu bạn pha 4 màu với nhau thì cần cả thảy là 32ml màu cho 8 thỏi son ư??? )
5. Đừng quên sáp Candellila. Đây là loại sáp tạo ra độ cứng và độ mượt mà cho son (đương nhiên không có khả năng bám tốt bằng hóa chất Propylen Glycol), để thỏi son trơn mượt, dễ “di chuyển” trên môi hơn, bạn tuyệt đối đừng quên nó.
6. Sáp ong trắng tinh luyện – không thể thiếu ! Sáp ong trắng giúp son “lì” và bám màu, tuy nhiên, nếu bạn chỉ dùng nó mà quên đi sáp Candellila ở trên thì thỏi son dễ bị “trơ” lắm nhé ! Bạn không nên dùng sáp ong vàng trong công thức của mình, vì sáp ong vàng tại Việt Nam thường không ổn định, dễ tạo ra những mẻ son “không giống nhau” về độ cứng và màu vàng của sáp sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến thành phẩm thỏi son màu của bạn nhé.
7. Chú ý tỉ lệ của từng nguyên liệu. Để thỏi son có độ cứng, độ lì, khả năng lên màu tốt, điều rất quan trọng là bạn cần chú ý đến TỈ LỆ dùng nguyên liệu, bạn cần hiểu sáp có chức năng gì, bơ có công dụng gì và dầu thực vật dùng để làm gì, qua đó xây dựng một tỉ lệ để làm ra thỏi son bạn cảm thấy hài lòng nhất.
Làm son để kinh doanh thật sự là 1 công việc có thể kiếm ra thu nhập cho bạn, nhưng trên hết nó là 1 nghệ thuật, 1 thế giới đầy màu sắc mà bạn sẽ nhanh chóng bị mê hoặc. Hãy bắt tay thử nghiệm và liên hệ với PN để trao đổi kinh nghiệm nhé.
Chúng tôi rất sẵn lòng hỗ trợ bạn.
>> Top 5 mỹ phẩm handmade chất lượng, đáng an toàn và đáng tin cậy
—- Pure Nature —
Source: http://thoitrangviet247.com
Category: Blog thời trang