Bởi vậy, năm nay hai cha con Hoài Linh – Hoài Lâm tiếp tục “song kiếm hợp bích” trong phim Tết Tía tui là cao thủ. Sở hữu dàn sao sáng với lượng người hâm mộ “khủng”, Tía tui là cao thủ dễ dàng thu hút mọi sự chú ý ngay từ những thông tin đầu tiên.
Bạn đang đọc: ‘Tía tui là cao thủ’: Tiếng cười dân dã và dễ dãi
Nội dung phim xoay quanh gia đình ông Nho (Hoài Linh) – bà Nhã (Việt Hương) làm nghề thuốc Đông y gia truyền, sống đầm ấm cùng 4 người con tại một vùng quê thanh bình. Một ngày, có gã “chủ đất” (Tấn Beo) đến mua lại cơ ngơi của gia đình. Có tiền trong tay, bà Nhã đề xuất cho các con lên Sài Gòn tìm việc để “đổi đời” nhưng ông Nho không đồng ý. Tưởng rằng ông còn lưu luyến tình cũ (Cát Tường) nên không muốn đi, bà giận dữ đưa 3 con lên Sài Gòn trước, để lại ông Nho cùng cậu con út (Hoài Lâm) ở quê, tiếp tục hành nghề bốc thuốc, châm cứu. Ai dè lên Sài Gòn không lâu, bốn mẹ con gặp phải chính “oan gia” xưa của gia đình…
Bối cảnh chính của phim là làng quê miền Tây dân dã cùng với Sài Gòn hoa lệ, lại thêm những cảnh “đọ kiếm” đậm chất giang hồ khiến nó có phần tương tự một câu chuyện kiếm hiệp đặt giữa thời hiện đại. Mặc dù được coi là cái tên sáng giá nhất dàn diễn viên, nhưng xem ra đất diễn của Hoài Linh ở đây khá hạn hẹp. Hơn nữa, nhân vật của anh không có mấy đột phá so với hàng trăm vai trước đó: một ông già quê kiểng, thi thoảng hài hài, thi thoảng lại nghiêm túc. Nếu so với nhân vật gần nhất mà anh thể hiện trên màn ảnh rộng là ông Tỏi trong Già gân, mỹ nhân và găng tơ, thì có lẽ ông Nho thua xa về sự mới mẻ. Tuy vậy, lặp lại chính mình cũng không phải là không tốt khi nhân vật ông Nho là chiếc áo vừa vặn với Hoài Linh, để anh tiếp tục cống hiến những màn tấu hài quen thuộc cho khán giả.
Thế nhưng, người ta lại kỳ vọng ở Hoài Lâm trong tác phẩm điện ảnh thứ hai nhiều hơn sự mờ nhạt hồi Quý tử bất đắc dĩ. Đáng tiếc, vai cậu con út trong gia đình Nho – Nhã tuy có không ít đất diễn nhưng Hoài Lâm lại khá nhạt nhòa. Khuôn mặt dễ thương và lối diễn còn gượng gạo của cậu chưa hợp lắm với thể loại hài. Có lẽ Hoài Lâm cần nhiều thời gian trau dồi hơn như những gì cậu đã chia sẻ, bởi vì dù sao Hoài Lâm vẫn chỉ là “người mới” trong nghề diễn viên.
Cùng có xuất phát điểm tương tự Hoài Lâm nhưng Ngô Kiến Huy đã tích lũy đủ kinh nghiệm sau thời gian góp mặt tương đối nhiều trong các tác phẩm điện ảnh. Từ một ca sĩ lấn sân, khuôn mặt cũng bị đánh giá là quá dễ thương, quá trẻ để đảm nhận những vai diễn khó, Ngô Kiến Huy chăm chỉ đi theo hình tượng hài hước và đạt được thành công ban đầu với quyết định này. Tuy vẫn còn thiên về hình thể nhiều, nhưng cách diễn của Ngô Kiến Huy càng ngày càng “mượt” hơn. Bên cạnh đó, người mẫu Ái Phương gây bất ngờ khi lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng cô đã hoàn thành vai diễn suôn sẻ, không hề thua kém những đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm.
Việt Hương, Tấn Beo, Cát Tường, Khả Như đều là những diễn viên chuyên nghiệp nên có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, đáng thất vọng nhất là vai của Tấn Beo: thừa thãi, làm lố và hơi… vô duyên. Có lẽ việc đem trọn vẹn lối diễn sân khấu lên màn ảnh càng ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm với những diễn viên xuất thân từ kịch nói.
Về mặt nội dung, thật khó để nhận xét công bằng khi dường như đối tượng khán giả mục tiêu của Tía tui là cao thủ là tầng lớp bình dân, có gu thưởng thức đơn giản, dễ dãi. Bởi vậy, từ tạo hình, lời thoại, tình huống đến các mảng miếng hài đều vô cùng… dễ hiểu, thậm chí có phần cũ kỹ nếu bạn là người thường xuyên xem các chương trình giải trí. Với những khán giả mong chờ nhiều sự đột phá và tinh tế, Tía tui là cao thủ có lẽ không phải sự lựa chọn hàng đầu.
Source: https://thoitrangviet247.com
Category: Blog thời trang